Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

NGÀNH THÉP VIỆT NAM VẪN CÒN DƯ ĐỊA?



Tại hội thảo về ngành thép với chủ đề “Thăng trầm và triển vọng, gặp gỡ CTCP Đầu tư Thương mại SMC” do Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc), Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) và SMC phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết năm 2016, ước tính sản lượng sản xuất ngành thép 8,25 triệu tấn thép dài, 3,5 triệu tấn CRC, 1,75 triệu tấn ống thép và 3,7 triệu tấn tôn mạ. Theo đó, ngành công nghiệp thép Việt Nam vẫn chưa vận hành tối đa công suất. Trong khi đó, sản lượng thép nhập khẩu vẫn tăng rất mạnh, đặc biệt là phôi thép và sản phẩm cuối cùng.


Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thép vẫn còn rất lớn. Ảnh: Inox Quang Minh

Cụ thể, ông Sưa nói, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu phôi thép ở mức 1 triệu tấn và sản phẩm thép ở mức 13 triệu tấn (trong đó sản phẩm dẹt là 4 triệu tấn, tôn mạ 1,5 triệu tấn, 0,5 triệu tấn thép không g và 6 triệu tấn thép hợp kim). Ông Sưa cũng đưa ra con số dự báo cho tổng lượng tiêu thụ thép trong năm 2016 sẽ là 20,5 triệu tấn (so với 18,25 triệu tấn năm 2015). Như vậy, nếu theo ước tính này, sản lượng thép tính theo đầu người của Việt Nam sẽ tăng từ 200kg/ người năm 2015 lên 220kg/người và nhỉnh hơn so với bình quân tiêu thụ sản lượng thép trên đầu người của thế giới là 216 kg/ người.

 
Đại diện Hiệp hội thép khẳng định ngành thép toàn cầu đang đủ năng lực để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường về các mặt hàng như thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Ngoài ra, còn có các sản phẩm thép xuất khẩu chủ lực bao gồm tôn mạ, ống thép và thép cán nguội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều thép, chủ yếu là những sản phẩm trong nước chưa cung ứng được như HRC, thép chế tạo… Bên cạnh đó, với nhu cầu phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng trong nước vẫn còn rất lớn, Hiệp hội thép đưa ra số liệu dự báo về sản lượng thép Việt Nam tới năm 2020 là 10 triệu tấn gang, 18 triệu tấn phôi thép và 22 triệu tấn thành phẩm; và tầm nhìn tới năm 2025 là 18 triệu tấn gang, 25 triệu tấn phôi thép và 30 triệu tấn thành phẩm. Do đó, dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành thép vẫn còn rất lớn.

 
Nhận định về xu thế phát triển theo chuỗi giá trị trong ngành thép, ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – CTCP Chứng khoán Công thương Việt Nam (VietinbankSc) cho biết, cho tới năm 2015, sản xuất phôi slab, thép cuộn cán nóng chính là điểm khuyết trong chuỗi giá trị mà Việt Nam chưa sản xuất được. Cùng với đó, năng lực sản xuất thép cơ khí chế tạo gần như chưa có. Chính vì vậy, trong năm 2015, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 14 triệu tấn thép thành phẩm, đứng thứ 6 trong danh sách các nước nhập siêu thép trên thế giới.

 
Dựa trên những phân tích về biến động của cả thị trường thép thế giới và thị trường thép Việt Nam trong thời gian vừa qua, ông Đăng đưa ra một số nhận định về triển vọng ngành thép Việt Nam nói chung cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp thép Việt tồn tại và phát triển trong thời gian tới. Với tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 15% trong giai đoạn 5 năm tới, ông Đăng cho rằng, cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn rất tốt nếu tìm được hướng đi phù hợp.

 
Ở góc độ phân tích cơ bản, xét về các chỉ số sinh lời, HSG và HPG vẫn là những doanh nghiệp đi đầu về tỷ suất lợi nhuận. Trong khi đó, NKG và SMC lại có tỷ lệ ROE cao nhất. Riêng SMC là doanh nghiệp thương mại thép, theo chính đại diện SMC cho biết, rất tự tin với lợi thế cạnh tranh bao gồm 18% thị phần phân phối thép tại khu vực miền Nam với sản phẩm, hàng hóa cung cấp đa dạng, chất lượng cao. Bên cạnh đó, SMC là công ty có hệ thống Coil Center lớn nhất nước và các nhà máy sản xuất được đầu tư với công nghệ hiện đại, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu và yêu cầu khắt khe của khách hàng trong và ngoài nước đồng thời có những đối tác chiến lược –liên doanh lớn. SMC hiện đang đặt mục tiêu đạt sản lượng tiêu thụ thép toàn hệ thống trên 1,2 triệu tấn vào năm 2020; đồng thời, duy trì năng lực xuất khẩu thép với tỷ lệ tối thiểu đạt 10% tổng sản lượng tiêu thụ.

 
Ông Nguyễn Hữu Kinh Luân, đại diện SMC cũng cho biết tới đây, Cty sẽ đầu tư mới 1-2 nhà máy gia công chế biến thép mới để đáp ứng nhu cầu sản lượng thành phẩm sau cùng.


Inox Quang Minh

1 nhận xét: